Trận chiến 26 ngày Trận_Mậu_Thân_tại_Huế

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân quaThắng trận tin vui khắp nước nhàNam - Bắc thi đua đánh giặc MỹTiến lên! Toàn thắng ắt về ta!".

Bài Thơ chúc Tết 1968 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh phát đi trên sóng phát thanh quốc gia của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa chính là hiệu lệnh phát động cuộc tấn công.[7]

Từ chiều 30 đến đêm giao thừa qua ngày mồng một, tiếng pháo nổ liên hồi, dân chúng lũ lượt đi lễ, đi chúc Tết lẫn nhau, không có chuyện gì xảy ra. Sáng mồng một Tết, Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, cùng toàn thể nhân viên thuộc Bộ Tư lệnh Sư đoàn đến dự lễ chào cờ đầu năm ở Phú Văn Lâu. Ngay sau đó, chuẩn tướng được tin Quân đoàn cho biết quân giải phóng trong đêm 30 Tết đã đột nhập tấn công 2 thị xã Nha TrangQuy Nhơn. Lệnh cấm trại được ban hành tức khắc cho các đơn vị trực thuộc. Chính chuẩn tướng cũng ngủ tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn không về nhà. Đang say sưa ăn Tết, binh sĩ đồn trú vẫn không tin quân giải phóng sẽ tấn công.

Chỉ huy trưởng Lê Minh ghi lại những giờ phút ra quân:

7 giờ tối ngày mồng 1 Tết Mậu Thân, bắt đầu rời cửa rừng, quân đi lặng lẽ trong đêm tối, mưa lâm râm, sương mù đầy trời... Bộ chỉ huy chiến dịch đã lập một bộ phận tiền tiêu do anh Đặng Kính trực trên đỉnh núi Kim Phụng, nhìn thấy cả Phú Bài và Tử Hạ (...). Anh Kính báo về cứ 5 phút một: yên tĩnh!.

2 giờ 33 phút ngày 30-1-1968, pháo binh Quân giải phóng đồng loạt bắn phá các mục tiêu Việt Nam Cộng Hòa ở khu Tam giác, khu Phan Sào Nam, Phú Bài, Động Toàn, Đông Ba, mở đầu cho tổng tiến công vào Nội đô Huế. Sau loạt pháo mở màn, lực lượng vũ trang trên hai hướng cùng lúc đánh vào 40 mục tiêu trong và ngoại thành Huế.

Khởi đầu cuộc tấn công chủ yếu với 2 tiểu đoàn 800 và 802 cùng với lực lượng bí mật xâm nhập trước, đến sáng sớm ngày đầu tiên, quân Giải phóng đã kiểm soát toàn bộ thành phố ngoại trừ Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1/BB (thành Mang Cá) và khu phái bộ Cố vấn Hoa Kỳ MACV (tức Khách sạn Thuận Hóa). Đại đội 1 (Tiểu đoàn 12 đặc công) và Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6) đánh vào Mang Cá. Do không nắm chắc địa hình, các đơn vị phải dùng sức mạnh để đột phá vào cổng chính, quân Mỹ trên các nhà tầng bắn trả quyết liệt. Xe tăng Mỹ tiến ra bịt cổng bị quân Giải phóng dùng B-40 bắn cháy 2 xe và đẩy lui. Sau đó 14 chiến sĩ đặc công và 12 chiến sĩ bộ binh xung phong vào căn cứ chiếm được khu nhà đại đội quân y, đại đội chiến tranh tâm lý. Xe tăng Mỹ phản kích cố bịt cho được cửa mở. Lực lượng quân Giải phóng từ phía sau lên tiếp viện không vượt qua được hoả lực rất mạnh. Đến 11 giờ trưa, toàn bộ lực lượng quân Giải phóng phải rút ra.

Ngay hôm đó quân Mỹ tiến vào Huế tăng cường và phòng thủ các nơi kể trên. Quân Giải phóng tăng cường tiểu đoàn 804 với ý đồ chặn đứng các lực lượng tăng phái Mỹ - Việt Nam Cộng Hòa nhưng họ không thực hiện được ý đồ này. Thành Mang Cá và khu Cố vấn Mỹ được củng cố mạnh mẽ và không còn bị đe dọa nghiêm trọng nữa.[8]

Vào đêm mồng một Tết, 2 giờ sáng quân Giải phóng đồng loạt pháo kích vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1, Bộ Chỉ huy Tiểu khu, Trung tâm Huấn luyện Đống Đa và vị trí của Thiết đoàn 7 Kỵ binh ở An Cựu. Khoảng trên 100 đạn súng cối 82 ly của quân Giải phóng bắn vào khu Mang Cá Lớn. Cùng lúc đó, họ cũng tấn công khu Mang Cá sau khi lọt qua được cửa An Hòa. Một cánh quân Quân Giải phóng tiến đến sân bay Tây Lộc tấn công khu quân cụ của Đại đội 1 Quân cụ, nhưng bị lực lượng Việt Nam Cộng hòa bắn dữ dội. Một cánh quân khác của họ tấn công của thành phía Tây, dùng bộc phá phá tan cổng và tràn vào nội thành. Trong khi đó, một tiểu đoàn khác tấn công vị trí Bắc cầu An Hòa tới 3 giờ 20 sáng thì chiếm được mục tiêu.

Lúc 1 giờ sáng thì quân Giải phóng thuộc trung đoàn 6 báo đầu tiên đã chiếm lĩnh trận địa; tiếp theo, cánh nam báo chiếm lĩnh hai mục tiêu ưu tiên; mỗi điện báo đều mật và chỉ 3 chữ. 6 giờ sáng, điện báo chiến thắng về từ khắp mọi nơi, coi như đã chiếm hết thành phố Huế, các huyện ngoại thành cũng chiếm được các xã địa bàn đã quy định. Như vậy, chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, quân Giải phóng đã đánh chiếm hầu hết thành phố Huế. Đến 11 giờ sáng mùng 2, lá cờ Mặt trận treo trên đỉnh Kỳ Đài Huế; tất cả bộ đội đều nhảy nhót, vỗ tay hoan hô.[6]

Sau khi chiếm cửa An Hòa và cửa chánh Tây, quân Giải phóng miền Nam dồn nỗ lực tấn công khu Mang Cá. Lực lượng phòng thủ từ trên các tầng lầu bắn xuống dữ dội khiến họ tiến lên không nổi. Lực lượng đánh sân bay Tây Lộc bị rào kẽm gai ngăn cản nên chạy lạc sang đánh khu Quân Cụ.

Đến 3 giờ 15 sáng, họ dốc toàn lực tấn công khu sân bay, đột nhập đốt kho đạn, kho xăng và khu nhân viên kỹ thuật, nhưng cả ngày hôm sau vẫn chưa chiếm được khu sân bay này. Đêm đến, lại tấn công nữa, cuối cùng chiếm được khu đậu phi cơ. Sáng hôm sau, quân Mỹ - Việt Nam Cộng Hòa phản kích chiếm lại sân bay. Tính chung cả hai đợt, quân Giải phóng phá hỏng được 40 máy bay, 100 xe các loại, đốt 1 kho đạn, 1 kho xăng.

Thủy quân lục chiến Mỹ được xe tăng M48 Patton yểm trợ tấn công vào Huế

Quanh khu Đại Nội quân giải phóng miền Nam tấn công Đại Ðội Thám Báo của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa. Đại đội 4 đột phá cửa Hữu, dùng một mũi thọc sâu nhanh chóng chiếm khu Cột Cờ lúc 4 giờ 30 phút. Còn lại đại bộ phận của Đại đội 4 cùng Đại đội 3 theo đường Yết Kiêu, Lê Huân đánh vào khu Đại Nội. và vào lúc 5 giờ sáng, quân Giải phóng chiếm khu Đại Nội, diệt toàn bộ đại đội thám báo và 130 cảnh sát, bắt 26 lính khác. Tới 8 giờ sáng thì họ chiếm được cột cờ và treo lên đó lá cờ Giải phóng (trên đỏ, dưới xanh, có ngôi sao vàng ngay giữa) rất lớn. Tới sáng mồng 2 Tết tại phía tả ngạn sông Hương, họ trà trộn vào nhiều khu phố và kiểm soát được khu Đại nội, chợ Đông Ba, cửa Thượng Tứ, của Chánh Tây và cửa An Hòa.

Tại hữu ngạn sông Hương, một cánh quân khác phối hợp với thành đội Huế làm chủ tình hình khá dễ dàng. Họ tràn ngập vào các khu dân chúng và bao vây cô lập tất cả các cứ điểm quân sự của Việt Nam Cộng Hòa, đã thành công chiếm tất cả các cơ quan hành chánh, trong đó có Tòa Hành Chánh tỉnh Thừa Thiên, khu đại học, v.v. Riêng khu tứ giác gồm trung tâm MACV, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Thừa Thiên, Đài Phát Thanh, Trường Kiểu Mẫu và cầu tàu Hải Quân vẫn nằm trong tay quân Việt Nam Cộng hòa.

Đến ngày 1-2, phần lớn Huế với 90% dân số đã nằm trong tay lực lượng quân giải phóng. Hãng tin Pháp AFP ngày 7-2-1968 đã bình luận: "Sau một đêm đánh nhau, Việt cộng đã kiểm soát 90% dân chúng thành phố Huế. Ngay sáng hôm sau, bộ máy hoạt động và cổ động chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã bắt tay vào làm việc. Rõ ràng họ có một tổ chức mạnh mẽ trong thành phố này vì họ có thể huy động rất nhiều người ra làm việc cho họ".

Vào sáng mồng 2 Tết, Bộ Tư lệnh Sư Ðoàn 1 điều động Tiểu Ðoàn 2 Nhảy Dù ở Tứ Hạ kéo về giải tỏa thành phố. Trước hỏa lực rất mạnh của quân giải phóng từ trong các dãy nhà bắn ra, tiểu đoàn Nhảy Dù không sao di chuyển được nhất là trời xấu không có Không Quân yểm trợ. Tiểu Ðoàn 3/3 của Việt Nam Cộng Hòa đóng tại Nam Giao phản công cũng thất bại không giải tỏa được áp lực tại vùng này. Thiết đoàn 7 Kỵ Binh đóng tại An Cựu được lệnh tiến sang Thành nội giải tỏa.

Vào buổi trưa, quân Việt Nam Cộng Hòa mang 3 chiến xa mở đường vào thành phố, nhưng khi vào tới gần Ty Cảnh sát Quốc gia (vẫn do quân đội Việt Nam Cộng Hòa giữ) thì bất thần bị B-40 của Quân Giải phóng miền Nam từ khu nhà phố bắn cháy xe và Trung tá Phan Hữu Chí (thiết đoàn trưởng) bị chết ngay tại chỗ.

Tám giờ sáng ngày mồng 3 Tết, Chiến Ðoàn 1 Nhảy Dù gồm các Tiểu Ðoàn 2 và 7 cùng với Chi Ðoàn thiết vận xa từ An Lỗ và Tứ Hạ về giải tỏa cùng lúc Bộ Chỉ Huy Chiến Ðoàn 1 và Tiểu Ðoàn 7 Nhảy Dù mới được tăng cường từ Saigon tới Huế vào buổi trưa ngày mồng 2 Tết. Bộ đội nghênh chiến nhưng sau đó họ rút lui vào nội thành cố thủ.

Khi Huế bị đánh, Hoa Kỳ không có một lực lượng nào ở trong thành phố ngoài Bộ Chỉ Huy MACV ở ngay sát Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Thừa Thiên. Mãi đến chiều mồng 3 Tết mới có 1 đại đội Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ đầu tiên đến tăng cường cho Bộ Chỉ Huy MACV của họ.

Trong 3 ngày mồng 3, 4 và 5 Tết (1, 2 và 3 tháng 2/1968), quân đội Hoa Kỳ gồm 3 đại đội TQLC và 1 chi đoàn thiết xa thuộc Sư Ðoàn 1 TQLC mới mở các cuộc hành quân giải tỏa. Ngày mồng 4 Tết, quân Giải phóng tấn công Tiểu Ðoàn 1 Công Binh tại 1 km phía Nam Huế và tiếp tục duy trì áp lực tại khu vực Tây Lộc, Thành Nội, khu vực cột cờ, khu vực hành chánh và trường Đồng Khánh. Cũng trong đêm này, họ chiếm lao xá giải thoát khoảng 2.000 can phạm đủ thành phần. Trong số này, gần một nửa (1.000 người) được vũ trang và tham gia vào các đơn vị quân Giải phóng. Sự giải thoát các tù nhân này gây thêm sự xáo trộn cho thành phố Huế.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Mậu_Thân_tại_Huế http://www.historyplace.com/unitedstates/vietnam/i... http://ngothelinh.tripod.com/Hue.html http://www.chss.montclair.edu/english/furr/Vietnam... http://msuweb.montclair.edu/~furrg/porterhue1.html http://msuweb.montclair.edu/~furrg/porterhue2.html http://www.vietnam.ttu.edu/star/images/231/2310402... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://dantri.com.vn/van-hoa/lat-lai-nhung-cau-chu... http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130126/giai-ma... http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_cont...